“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” là đạo lý thiêng liêng, vừa là giá trị đạo đức và lối ứng xử cao đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt. Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được nhân dân lưu giữ và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đặc biệt trong những ngày tháng 7 này, các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân ta kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sỹ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh; biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ”. Họ lên đường tòng quân khi tuổi thanh xuân còn đang phơi phới, chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chiến tranh kết thúc, có những người đã được trở về với gia đình, nhưng cũng không ít người vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Trong số những người trở về ấy có rất nhiều người thân thể không còn nguyên vẹn, một phần cơ thể của họ đã bị mất đi tại các chiến trường, nhiều người đã nhiễm chất độc hóa học da cam, di truyền cho thể hệ sau. Sự hy sinh của họ để cho đời sau ghi ơn, khắc cốt.
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, trải qua những cuộc kháng chiến trường kỳ dựng nước và giữ nước, đã có biết bao lớp người thanh niên làm nên những chiến công vĩ đại, cống hiến, hy sinh, xây dựng, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Trong đó, có những người con ưu tú của quê hương Sóc Đăng. Trong hai cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc , toàn xã có 45 Liệt sỹ trong đó 9 liệt sỹ thời kỳ kháng chiến chống pháp; 32 liệt sỹ thời kỳ kháng chiến chống mỹ, 5 liệt sỹ thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (đã được khắc tên tại Bia Tưởng niệm tại Đài Tưởng niệm Liệt sỹ xã); 26 thương binh; 11 bệnh binh; 11 người nhiễm chất độc hóa học; 01 người hoạt động cách mạng bị bắt tù đày; 6 người bị ảnh hưởng gián tiếp của chất độc hóa học; 8 người nhận tuất liệt sỹ.
Cùng với cả nước, 77 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, các tổ chức Chính trị- xã hội, cùng toàn thể Nhân dân xã Sóc Đăng với tinh thần trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng bằng nhiều việc làm thiết thực, đã và đang chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công như: thực hiện tốt, đầy đủ các chế độ chính sách đối với người có công; triển khai kịp thời các chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước; tổ chức Thăm hỏi, động viên, tặng quà vào các dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ, Tết Nguyên đán; xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; quan tâm xây dựng, tôn tạo chỉnh trang khuôn viên Đài tượng niệm Liệt sỹ và tổ chức Lễ Thắp nến tri ân. Qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên,hội viên, đoàn viên và nhân dân toàn xã phát huy truyền thống với đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn”, phát triển sâu rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục được các thân nhân gia đình Liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và nhân dân ghi nhận.
Trong 6 tháng đầu năm năm 2024, xã Sóc Đăng đã thực hiện tốt chế độ chính sách với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội, tổ chức thăm hỏi tặng quà nhân dịp lễ, tết nguyên đán, lập hồ sơ làm chế độ chính sách cho các đối tượng đảm bảo công khai, đúng chế độ, đúng đối tượng.
Hàng năm vào dịp 27/7, UBND xã xây dựng kế hoạch với nhiều nội dung để kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ: Tuyên truyền ý nghĩa của ngày Thương binh – liệt sĩ và những kết quả đã đạt được trong công tác thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; xây dựng kế hoạch và tổ chức vận động quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ; Tiếp nhận và tặng quà của Chủ tịch nước, của tỉnh, của huyện, của xã, của các tổ chức- cá nhân, doanh nghiệp cho đối tượng người có công và thân nhân gia đình liệt sỹ, người nhiễm chất độc hóa học; Thành lập đoàn đi thăm, tặng quà cho các đối tượng người có công và thân nhân gia đình liệt sỹ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Thực hiện tốt việc tu sửa, nâng cấp, chỉnh trang khuôn viên Đài tưởng niệm Liệt sỹ xã đảm bảo sạch sẽ trang nghiêm, để thân nhân gia đình liệt sỹ thăm viếng; tổ chức dâng hương, lễ cầu siêu và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Đài tưởng niệm Liệt sỹ xã; Hướng dẫn thủ tục hồ sơ liên quan đến chính sách, chế độ ưu đãi theo quy định tại nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ. Đoàn Thanh niên chủ trì phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Công chức Văn hóa- xã hội xã xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ cầu siêu và thắp nên tri ân tại Đài tưởng niệm Liệt sỹ.
Từ đó, thể hiện lòng tự hào về truyền thống anh hùng, cách mạng của dân tộc Việt Nam; đồng thời giáo dục thế hệ trẻ xã nhà ý thức trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và những người có công với cách mạng, bồi đắp nét đẹp truyền thống trong đời sống xã hội, trong lối sống và ứng xử của thế hệ trẻ ngày nay
Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, với lòng biết ơn vô hạn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Sóc Đăng kính cẩn tưởng nhớ các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do và sự thống nhất đất nước và nguyện tiếp tục nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa chính sách đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, “Đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ”, đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc./.
Anh Phương